Sở Xây dựng TPHCM đã kiến nghị UBND thành phố cho phép thực hiện phương thức tái định cư tại chỗ, nghĩa là cho cư dân sở hữu căn hộ mới có diện tích tương đương, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ.
Tại cuộc họp với các sở ngành, quận huyện về cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố ngày 8-7, ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM, cho biết việc thỏa thuận bồi thường trong giải phóng mặt bằng còn gặp rất nhiều khó khăn. Người dân sống trong các khu chung cư cũ đa phần có thu nhập thấp, giá trị sử dụng còn lại của các căn hộ nhỏ, tiền bồi thường không đủ để mua lại căn hộ thương mại nên nhiều người không đồng ý việc bồi thường, di dời.
"Tình trạng này khiến nhiều dự án không thể triển khai do chưa có mặt bằng và phát sinh tình trạng tạm cư kéo dài. Hơn nữa, việc bồi thường cũng rất khó tạo được sự đồng thuận của người dân", ông Sơn nói.
Vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị thành phố cho phép tái định cư tại chỗ (trừ trường hợp không xây dựng lại chung cư tại vị trí cũ), không thực hiện phương thức bồi thường để đẩy nhanh tiến độ. Khi đó, các hộ dân sẽ được bố trí tạm cư và sẽ quay trở lại định cư tại căn hộ mới có diện tích tương đương sau khi xây dựng xong chung cư.
Trong trường hợp không có nhu cầu tái định cư tại chỗ, người dân vẫn được bán căn hộ đã được bố trí theo hình thức chuyển nhượng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Trọng, Chủ tịch UBND quận 10 cho rằng, việc này không đơn giản là đổi 1 mét vuông nhà cũ lấy 1 mét vuông nhà mới.
“Khi xây chung cư mới thì số tầng phải tăng gấp 3 do còn có nhiều tiện ích như bãi gửi xe, nơi sinh hoạt cộng đồng… Như vậy hệ số sử dụng đất tăng rất nhiều, nếu tiến hành tái định cư tại chỗ thì phải thay đổi toàn bộ các chỉ số quy hoạch, mà việc này một quận không thể tự cân đối được”, ông Trọng nhận định.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, nếu xây dựng lại chung cư với diện tích tương đương căn hộ cũ thì phải có quy định diện tích tối thiểu.
“Như vậy, diện tích căn hộ tối thiểu là bao nhiêu, theo quy định nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại? Phần diện tích chênh lệch thì người dân lấy tiền ở đâu để trả thêm?”, ông Châu băn khoăn.
Ngoài kiến nghị cho tái định cư tại chỗ, Sở Xây dựng cũng đề nghị phân cấp, ủy quyền việc thẩm định, tháo dỡ các chung cư cũ, lựa chọn nhà đầu tư cho quận, huyện thực hiện. Một số vị lãnh đạo quận, huyện cho rằng việc thẩm định và phê duyệt kết quả kiểm định, cấp quận không thể làm nổi vì không có chuyên môn; nếu phân cấp, ủy quyền thì Sở Xây dựng phải có hướng dẫn cụ thể, cả về quy trình và kinh phí thực hiện.
Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết thành phố sẽ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho sở ban ngành, quận huyện thực hiện để đẩy nhanh tiến độ. "Trong năm nay sẽ phải hoàn thành công tác kiểm định chất lượng 474 chung cư cũ, xuống cấp để sớm có kế hoạch sửa chữa, xây mới nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của hàng chục nghìn hộ dân", ông Khoa nói.