Được khởi công từ 2008, từng được kỳ vọng sẽ là khu đô thị lớn, tầm cỡ làm thay đổi diện mạo đô thị Đà Nẵng khi đó, tuy nhiên, nhiều năm "đắp chiếu", đến nay dự án này đã thay tên, đổi chủ.
Dai dẳng gần 10 năm
Được biết, cuối tháng 2/2008, Công ty TNHH Deawon Cantavil thuộc Tập đoàn Daewon (Hàn Quốc) khởi công dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (tên khác là dự án Vầng Trăng Khuyết) tại vị trí đắc địa, gần khu vực vịnh Đà Nẵng. Đây là dự án khu đô thị lớn nhất với tham vọng nâng tầm đô thị của TP.Đà Nẵng vào thời điểm đó.
Khu đô thị có tổng diện tích 235ha được thiết kế theo khu đô thị phức hợp gồm Khách sạn, văn phòng, resort, sân golf 18 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế, bến cảng dành cho du thuyền, khách sạn quốc tế, trung tâm hội nghị quốc gia, tòa nhà văn phòng cao cấp 60 tầng, các trung tâm thương mại, villa cao cấp và chung cư với quy mô 8.500 căn hộ.
Theo đó, toàn bộ dự án được tạo lập trên cơ sở lấn biển để thực hiện dự án này. Theo chủ đầu tư, dự án được áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất trong việc khảo sát địa hình, nghiên cứu dòng chảy cũng như trong xây dựng. Tổng vốn đầu tư được cho là 300 triệu USD.
Đây là dự án đầu tư lớn thứ hai của Tập đoàn Daewon trên thế giới và là dự án thứ 5 mà Daewon đầu tư tại Việt Nam vào thời điểm đó.
Theo kế hoạch được phê duyệt theo giấy chứng nhận đầu tư, việc xây dựng hạ tầng lấn biển và các hạng mục chính sẽ lần lượt hoàn tất trong vòng 10 năm được gia hạn đến năm 2020.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành san lấp được khá lớn diện tích thì dự án “ngã ngựa” vì suy thoái kinh tế, phải trùm mền suốt mấy năm qua. Dự án bị bỏ hoang vu, rào chắn kín và gần như không có khả năng tái khởi động trong một thời gian dài. Đường bờ biển bị che chắn khiến người dân bức xúc.
Theo báo cáo tiến độ dự án của Daewon Cantavil tính đến nay đã hoàn thành san lấp mặt bằng và lấn biển giai đoạn 1 (112ha/ 235 ha tổng diện tích dự án), thực hiện xong điều chỉnh quy hoạch (phê duyệt tại Quyết định số 5923/QĐ-UBND ngày 18/8/2014).
Các công việc đã và đang tiến hành gồm: gia cố nền đất, xây dựng đê biển; nghiên cứu thiết kế kỹ thuật; lập thiết kế cơ sở cho phần hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1; xin giấy phép xây dựng và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập dự án đầu tư và quy hoạch chi tiết trạm xử lý nước thải, điều chỉnh quy hoạch chi tiết có cập nhật các diện tích hạ tầng kỹ thuật như trạm điện 220KV cho quận Hải Châu và Thành phố Đà Nẵng và trạm điện 110KV, trạm bơm chống ngập úng cuối đường Ung Văn Khiêm và bổ sung trạm xử lý nước thải dành riêng cho dự án.
Giải thích về việc chậm trễ đầu tư, một đại diện của tập đoàn này cho rằng đây là một dự án dài hơi và sẽ thay đổi thành phố Đà Nẵng. Vì là dự án dài hơi, yêu cầu vốn đầu tư rất lớn, nên khi tình hình bất động sản trong nước và trên thế giới không tốt trong thời gian trước đây, công ty gặp khó khăn về mặt huy động tài chính trong việc triển khai san lấp giai đoạn 2, xây dựng đê biển. Các dự án đô thị với quy mô tương tự trên thế giới cũng đòi hỏi từ 10 – 20 năm để hoàn thành.
Về tay Novaland
Do dự án này trở thành nỗi bức xúc nhiều năm của người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, từ năm 2014, chính quyền địa phương đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng dự án này. Theo đó, diện tích do nhà đầu tư Deawon Catavil trước đây thực hiện được thu hẹp còn gần 182ha; khu dân cư 29ha Đa Phước giao cho một nhà đầu tư khác là Công ty Nhà Đa Phước; và phần 25ha còn lại do TP. Đà Nẵng quản lý, đang lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016-2018 (gồm: Nhà hát lớn thành phố; cao ốc Blooming Tower; Khu công viên phần mềm số 2...).
Trong đó, khu dân cư 29ha Đa Phước đã được đầu tư nhiều hạng mục nhà ở, biệt thự nghỉ dưỡng, dự kiến trong tháng 10 hoặc 11/2016 sẽ chính thức mở bán. Đơn vị tham gia mua dự án này cho biết, việc thiết kế cũng sẽ có những thay đổi so với ban đầu để phù hợp hơn với vốn đầu tư, định hướng quy hoạch chung của Đà Nẵng. Được biết, công ty Nhà Đa Phước là liên danh gồm Deawon Cantavil và một doanh nghiệp Đà Nẵng, nhưng sau đấy Daewon cũng đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình.
Đối với phần đất gần 182ha, tập đoàn Novaland đang tiến hành thương lượng với Deawon về chiến lươc hợp tác và nhận chuyển nhượng 100%. Nhiều đánh giá cho thấy một khi dự án "trùm mền" khá lâu về tay đại gia địa ốc này sẽ góp phần làm thay đổi thị trường khu vực này.
Thời gian qua, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã quyết liệt xoá dự án "treo" dai dẳng bằng những quyết sách mạnh mẽ, chính điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng loạt dự án "khủng" bỏ hoang nhiều năm "hồi sinh".
Được biết, sau khi Novaland thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý chuyển nhượng và được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tập đoàn này cũng sẽ đặt tên dự án là Khu đô thị The Sunrise Bay. Khu đô thị bao gồm khách sạn, trung tâm thương mại & hội nghị, trường học, biệt thự và nhà phố, sân tập golf. Quy mô dự kiến gồm 32 nhà thương mại, 2680 nhà phố, 860 biệt thự song lập, 160 biệt thự, 66 biệt thự cao cấp... Thời gian xây dựng từ nay đến năm 2023.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện dự án đang tiếp tục tiến hành san lấp mặt bằng và phân chia các giai đoạn đầu tư, trong đó phần đất dành xây dựng hàng trăm căn biệt thự biển diễn ra sôi động nhất. Hằng ngày có hàng trăm xe tải chở đất đá, vật liệu, cát sỏi… vào khu vực thi công được rào chắn kín mít.
Công nhân và máy móc làm việc liên tục. Động thái này được cho là nhà đầu tư đã cam kết với TP. Đà Nẵng sẽ thực hiện dự án sau khi các đối tác mới nhận chuyển nhượng dự án.
Một đại diện của tập đoàn Novaland cho biết thị trường BĐS Đà Nẵng trong thời gian qua đang nóng lên từng ngày không những ở phân khúc bình dân mà cả những phân khúc cao cấp, đặc biệt là phân khúc biệt thự ven biển, lượng khách đến từ Hà Nội và các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hà Tĩnh đổ về mua đất Đà Nẵng liên tục tăng, khiến cho thị trường sôi động hẳn lên. Do đó, hàng loạt các dự án BĐS được mở bán, được khai trương và tái khởi động.
Việc "thâu tóm" dự án lớn cả về quy mô diện tích và số vốn đầu tư đã đánh dấu cho bước "nhảy vọt" của Novaland vào phân khúc BĐS nghỉ dưỡng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sau những khó khăn về đầu tư phát triển dự án do thị trường đóng băng, nhiều dự án đầu tư ở Đà Nẵng đang sôi động trở lại qua việc chuyển nhượng dự án (M&A). Đây là cơ hội cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực quản lý đầu tư.
Đăng Khải - Theo Trí thức trẻ