TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Thế giới chúng ta đang sống là... giả lập?!

Phải chăng loài người chúng ta thực chất là những sinh vật số, đang sống trong một thế giới giả lập, do máy tính lập ra? Tôi đã sốc và cảm thấy nghi ngờ khi lần đầu đọc bài báo viết về giả thuyết “điên khùng” ấy. Giờ tôi chỉ kể lại lý luận về giả thuyết thế giới giả lập do những nhà khoa học có uy tín đưa ra, trên tinh thần yêu khoa học và hoàn toàn nghiêm túc. Tin hay không là quyền của bạn!

99,9999% chúng ta đang sống trong thế giới giả lập được tạo ra từ máy tính?

Đầu tháng 6-2016, tại một sự kiện công nghệ tổ chức ở California (Mỹ), tỉ phú Mỹ Elon Musk, người sáng lập nhiều công ty công nghệ hàng đầu hiện nay (như Tesla Motors, SpaceX...) đã tuyên bố: có 99,9999% chúng ta đang sống trong thế giới giả lập, do máy tính tạo ra. Có vẻ như ngày càng có nhiều nhà khoa học tập trung nghiên cứu và... tin vào điều đó!

Lý luận về thế giới giả lập được đưa ra lần đầu vào năm 2003, bởi nhà triết học - tương lai học Nick Bostrom (Đại học Oxford, Anh). Bostrom cho rằng với trình độ công nghệ hiện tại, như công nghệ thực tế ảo, hay việc lập bản đồ não người, những chiếc máy tính trong tương lai hoàn toàn có thể tự tạo ra được một thế giới với đầy đủ những chi tiết, thành phần hoàn toàn giống như thế giới mà chúng ta đang sống. Đó chính là thế giới giả lập, và mỗi chúng ta thực ra là những sinh vật số, sống trong thế giới giả lập đó. Còn chiếc máy tính thì được tạo ra bởi những “thế hệ tương lai” (hay “thế hệ quá khứ” thì cũng vậy thôi, vì nói năm 2018 là “tương lai”, thì qua năm 2019 nó sẽ trở thành “quá khứ”).

Có hai tiền đề bảo đảm cho lý luận thế giới giả lập có thể là sự thật.

Thứ nhất, ý thức/trí tuệ của con người hoàn toàn có thể được mô phỏng lại trên máy tính. Đó chính là “trí tuệ nhân tạo” (viết tắt là AI, artificial intelligence). Hiện nay, mỗi ngày trôi qua, AI lại có những bước tiến vượt bậc. Chẳng hạn như AI của hãng Google đã có thể “tự học”, bằng cách tự vào mạng Internet, truy cập vào các thư viện điện tử, nạp những kiến thức của nhân loại cho mình; có thể tự pha chế tìm ra loại thuốc mới, tự phát minh ra ngôn ngữ của riêng nó để dịch thuật... Đều là những điều ngoài sự tưởng tượng của chúng ta!

Thứ hai, một nền văn minh ở trình độ tiên tiến, sẽ được tiếp cận với một lượng sức mạnh vi tính khổng lồ. Hệ thống những chiếc máy vi tính như vậy sẽ có sức mạnh phi thường, có khả năng tự tạo ra tất cả mọi thứ mà thế giới chúng ta đang có. Ví dụ, sau 1.000 năm nữa, con cháu của chúng ta sẽ du hành không gian trên những cỗ máy siêu nhanh, hay mặt trăng hay các hành tinh khác sẽ thành những “hành tinh máy tính” khổng lồ - đều do máy tính - robot tạo ra được.

Một nền văn minh với hai tiền đề tân tiến như vậy hoàn toàn có thể sử dụng sức mạnh vi tính, để chạy một chương trình “giả lập tổ tiên” - về cơ bản giống như một phiên bản cao cấp của trò chơi điện tử “The Sims”, tập trung vào lịch sử tiến hóa của họ.

Hiện tại, việc tạo ra một thế giới mô phỏng như vậy nghe có vẻ khác thường, nhưng trong tương lai, chắc chắn sẽ có hàng ngàn, thậm chí hàng triệu chương trình giả lập tổ tiên được chạy trên chỉ một chiếc máy tính. Khi đó số lượng ý thức được giả lập sẽ vượt qua số lượng ý thức tự nhiên của con người. Và rất có khả năng chúng ta thực sự sống trong một thế giới giả lập vào thời điểm đó.

Khoa học hay viễn tưởng?

Trong suốt hơn một thế kỷ qua, các nhà tương lai học, các cây bút khoa học viễn tưởng, qua tác phẩm của mình, đã tưởng tượng ra một ngày mà con người sử dụng công nghệ để trở thành những “hậu nhân” có khả năng vượt xa mọi giới hạn của người thường hiện tại. Chẳng hạn, đơn giản, có thể nhảy cao tới 100 mét.

Đó là thời đại mà con người có thể thoát khỏi cái chết, bằng cách tải ký ức của mình lên máy tính, bổ sung hay thay thế trí não mình với trí tuệ nhân tạo, hoặc mở rộng đường biên tri thức của vật lý, sinh học và kỹ thuật, để bay tới sống ở những thiên hà xa xôi.

Hãy xem ý tưởng về mô hình con người sinh sống như một “bản sao” trong thế giới giả lập, ví dụ như cuộc sống vào thời điểm những ngày đầu của quá trình tạo giả lập, trong cuốn tiểu thuyết Permutation City (Thành phố hoán vị) của cây bút viễn tưởng Greg Egan, xuất bản đầu năm 2016.

Trong truyện, nhân vật chính Paul là một nhà khoa học máy tính, đã sao chép não bộ của anh vào máy tính, để tạo ra một bản sao của chính mình. Trong khi Paul bản gốc (thật) vẫn sống ở ngoài thế giới thực, thì Paul bản sao sống trong thế giới ảo, giống như một trò chơi điện tử hiện đại. Và Paul thật đã vô cùng sửng sốt, khi thấy bản sao của anh sau khi xem, đã quay mặt đi khỏi bức danh họa “The Garden of Earthly Delights” của Bosch trong căn hộ, thì ra chương trình giả lập trong máy tính đã không hiển thị các chi tiết của bức họa nữa, mà “tinh giảm” thành “một hình chữ nhật màu xám” để tiết kiệm bộ nhớ máy tính. Tức là Paul giả đã không hề biết về điều này.

Nếu chúng ta đang sống trong một thế giới giả lập, thì việc tương tự cũng có thể xảy ra. Tại sao máy tính lại phải mô phỏng hết các nguyên tử, các hành tinh, hệ mặt trời... trong vũ trụ, trong khi nó biết chúng ta đang rời mắt khỏi cái gì. Tức là nếu chúng ta nhìn mặt trăng, thì sẽ thấy mặt trăng. Nhưng nếu chúng ta quay đi nơi khác, thì mặt trăng sẽ không còn nữa (trong máy tính). Vì mặt trăng đó là giả, do máy tính tạo ra cho nhân vật của mình - chính là chúng ta.

Rõ ràng nếu bạn tin rằng loài người sẽ còn tồn tại lâu dài, và ngày càng có nhiều quyền năng và tri thức, thì bạn buộc phải chấp nhận hoàn toàn việc khả năng chúng ta đang chỉ là những sinh vật số, được mô phỏng lại. Như một logic tất yếu của sự phát triển AI và công nghệ.

Kết: Điều ấy là có thể

Thế giới giả lập chắc chắn là một đề tài khoa học hấp dẫn, còn được nhắc tới nhiều, và không thể nào mô tả hay bàn luận một cách đầy đủ trong khuôn khổ một bài báo xuân. Thế nên để kết thúc và minh họa cho niềm tin của mình về khả năng có thật của thế giới giả lập, tôi chép lại đoạn đối thoại giữa tôi với một người bạn gần đây, sau khi tôi nói về giả thuyết thế giới giả lập cho anh nghe.

Tôi: Bạn có đồng ý rằng trong vòng 1.000 năm nữa, chúng ta có thể tạo ra một con robot giống y như mình. Con robot này có thể ra sân bay Tân Sơn Nhất mua vé và bay qua Mỹ để thăm bạn, giả sử khi đó bạn đang ở Mỹ. Và con robot đó giống y như tôi?

Bạn tôi: Điều ấy có thể được.

Tôi: Và bạn cứ tin tưởng rằng con robot ấy chính là tôi, vì nó quá giống tôi, từ giọng nói cho đến thể hình, cách ăn mặc?

Bạn tôi: Điều ấy có thể được.

Tôi: Nhưng thực ra, khi đó bạn cũng đang ở Việt Nam, và người mà con robot của tôi đến thăm tại Mỹ thực ra là con robot giả của bạn?

Bạn tôi: Điều ấy có thể được.

Tôi: Như vậy thay vì tôi và bạn, thì bên Mỹ có hai con robot giả là tôi và bạn, và chúng giống y chang tôi và bạn?

Bạn tôi: Điều ấy là có thể.

Tôi: Nhưng thay vì là nước Mỹ thật, thì đó chẳng qua là một nước Mỹ ảo, nằm trong một chiếc máy vi tính?

Bạn tôi: Nếu đó là nước Mỹ ảo nằm trong máy vi tính, thì con robot có thể sẽ không thể nhìn thấy giống như nước Mỹ thật được.

Tôi: Nhưng nếu hai con robot ấy cùng đeo kính thực tế ảo. Thì nó sẽ nhìn nước Mỹ trong máy vi tính giống y như nước Mỹ thật. Vì ngay hiện nay chúng ta đã sản xuất ra những chiếc kính thực tế ảo mà người đeo vào sẽ thấy mọi thứ trong máy vi tính y như thật. Sau 1.000 năm nữa, chiếc kính thực tế ảo hoàn toàn có thể thu nhỏ lại giống như một miếng nylon và chúng ta có thể dán vào mắt con robot?
Bạn tôi: Điều ấy là có thể.

Tôi: Con mắt của chúng ta thực chất là một thấu kính, và hoàn toàn có thể dán kính thực tế ảo siêu nhỏ vào. Giả sử nếu ai đó đã lén dán cái kính thực tế ảo vào mắt ta, thì phải chăng khi đó chúng ta cũng hoàn toàn có thể lầm tưởng nước Mỹ trong máy vi tính là nước Mỹ thật ngoài đời. Và thậm chí biết đâu chúng ta chính là một con robot?

Bạn tôi: Vậy thì phải chăng chúng ta đang sống trong thế giới giả lập? Tôi sẽ suy nghĩ lại xem mình đã trả lời anh sai ở chỗ nào. Thật kỳ lạ!

Các nhà khoa học Đức nói họ đang nắm trong tay bằng chứng cho thấy vũ trụ này là giả lập

Đầu tháng 11-2016, trong bản báo cáo của mình, các nhà khoa học Đức chỉ ra rằng vũ trụ giả lập của chúng ta hiện tại vẫn còn rất nhỏ và yếu, vì thế những định luật vật lý vẫn bị hạn chế rất nhiều.

Những nhà nghiên cứu phân tích rằng “vấn đề nằm ở mọi môi trường giả lập nằm ở chính các định luật vật lý, nó hiện hữu liên tiếp và chồng lên một lưới ba chiều riêng rẽ, được phát triển và nới rộng ra theo từng bước tiến của thời gian”.

Về cơ bản, điều đó có nghĩa rằng bản thân một môi trường giả lập có những hạn chế nhất định, những hạn chế mà chính hệ thống máy tính của nó áp đặt lên, ví dụ như lượng năng lượng mà một hạt có được trong một chương trình nào đó. Tất cả đều có một giới hạn, và giới hạn đó dựa phần lớn vào hệ thống giả lập nó mạnh mẽ tới mức nào.

Chúng ta đang sống trong một nhà tù tạo nên bởi một thực thể nào đó mạnh hơn, lớn hơn và tiên tiến hơn rất rất nhiều. Ta không thể nhìn thấy được những bức tường gạch của nhà tù tăm tối đó, nhưng qua vật lý nói riêng và khoa học nói chung, có lẽ sẽ có ngày ta với tay ra và chạm vào bức tường đó.

Đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc. Bạn có thể đọc tại đây: https://arxiv.org/abs/1210.1847

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness