TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Nhiều dự án “nổ” quá đà để bán nhà

Hàng loạt dự án bất động sản nằm ở trong hẻm, hạ tầng chưa hoàn thiện, tiện ích ít ỏi… nhưng vẫn được tô vẽ bóng bẩy để thu hút khách hàng.

Vương miệng thất truyền

Dự án River City nằm trên đường đào trí quận 7, TP.HCM do liên doanh Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt – Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia – Quỹ đầu tư Creed Group làm chủ đầu tư.

Thực chất, River City chính là dự án The Everich 2 đình đám một thời, từng khiến Công ty Phát Đạt chết đứng. River City là một trong những thương vụ M&A lớn nhất thị trường bất động sản năm 2016.

Dự án này từng được chú ý với kiến trúc hình chiếc vương miện lộng lẫy nằm bên bờ sông Sài Gòn. River City cũng chính là nhà tài trợ kim cương cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016.

Nhiều dự án “nổ” quá đà để bán nhà - ảnh 1
Đường Đào Trí, phía trước dự án River City nhếch nhác và là bãi tập kết xe tải hạng nặng

Theo công bố của chủ đầu tư, dự án được xây dựng trên khu đất rộng 112.585m2, quy mô 8.000 căn hộ với 99 tiện ích lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam như biển đảo nhân tạo, hồ bơi thác nước hai tầng, quảng trường nước và ánh sáng, đường hoa đi bộ trên không...

Trong khi đó, tiện ích cơ bản như công viên, khu sinh hoạt cộng đồng lại không được chủ đầu tư nhắc đến. Dự án nằm biệt lập bên sông, cách xa trường học, bệnh viện nên cư dân rất khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ dân sinh.

Để vào được River City, cư dân phải đi dọc đường Nguyễn Văn Quỳ dưới gầm cầu Phú Mỹ rồi rẽ vào đường Đào Trí. Đường Nguyễn Văn Quỳ chỉ rộng chừng 3m và là điểm đen về kẹt xe và tai nạn giao thông.

Cuối đường Nguyễn Văn Quỳ có Cảng Lotus và bãi container cảng rau quả ngày đêm các loại xe tải nặng, xe container cũng ra vào liên tục. Còn đường Đào Trí dẫn vào dự án thì nhếch nhác và là điểm tập kết bãi xe tải hạng nặng. Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải, container lưu thông.

Được khởi công từ năm 2008 với 12 block nhưng đến nay, River City mới chỉ giao nhà được hai block. Chủ đầu tư công bố tổng số vốn đầu tư lên tới 12.000 tỉ đồng. Trong đó, quỹ đầu tư Creed Group được cho là đã rót vào dự án khoảng 500 triệu USD.

Tuy nhiên, với số lượng căn hộ quá lớn, hạ tầng ngoại khu quá ít ỏi đã khiến River City kém hấp dẫn. Khách hàng cũng dè dặt khi xuống tiền mua căn hộ. Điều quan trọng khiến người mua nhà không mặn mà với River City là dự án được xây theo kiến trúc chiếc vương miện. Giữa các block có quá ít không gian.

Với 8.000 căn hộ sẽ có ít nhất 16.000 người sẽ tập trung về đây sinh sống, khi dự án bàn giao nhà vào năm 2019. Giải được bài toán tiện ích cho cư dân River City là bài toán rất nan giải, dù được quảng cáo rầm rộ là 99 tiện ích đẳng cấp.

Rõ ràng, việc vực dậy The Everich 2 trước đây để tìm lại chiếc vương miệng đã thất truyền vẫn còn rất mù mịt. Sứ mệnh hồi sinh Phát Đạt và đánh dấu bước chuyển mình của An Gia bằng River City vẫn chưa có gì chắc chắn.

Nhiều dự án “nổ” quá đà để bán nhà - ảnh 2
Được quảng cáo đẳng cấp hàng đầu quận 7 nhưng phía trước dự án An Gia Riverside là con đường lầy lội

Một dự án khác của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia là An Gia Riverside được quảng cáo là khu căn hộ biệt lập ven sông đẳng cấp hàng đầu quận 7. Dự án này có hồ cảnh quan, công viên biển, sảnh đón thác nước…

Tuy nhiên, con đường Đào Trí chạy qua dự án nát như tương, nước đọng thành những vũng lớn. Dự án nằm sát con kênh đen ngòm. Phía trước dự án là khu vực hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm.

Còn dự án M-One nằm trong hẻm rộng 3m, đường Bế Văn Cấm, quận 7 cũng được chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Thảo Điền Investment và Công ty Cổ phần Đầu tư TCO Việt Nam quảng cáo là có vị trí, tiện ích, thiết kế… vượt trội so với các dự án khác.

Thế nhưng, M-One lại nằm lọt thỏm sau kho Tân Quy của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngũ Cốc. Bao bọc xung quanh dự án là hàng loạt công ty khác như: Dệt may Đức Thành, kho phân bón Phương Thiện Mỹ, nhôm kính Nam Việt, cơ sở kinh doanh than củi, than tổ ong…

Để vào được dự án chỉ có một con được độc đạo là hẻm số 12. Con đường Trần Xuân Soạn nối với Bế Văn Cấm ở phía trước dự án M-One thường xuyên bị ngập nước vào buổi chiều.

Tương tự, dự án The Avila trên đường Kinh Dương Vương, quận 8 được quảng cáo sở hữu ba mặt tiền với nhiều tiện ích hoàn hảo. Tuy nhiên, cả chục năm nay con đường An Dương Vương thường xuyên bị ngập nước ngay cả lúc trời nắng. Các dịch vụ xung quanh dự án lại rất nghèo nàn.

Lừa đảo khách hàng?

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành, việc nhiều công ty bất động sản tung hàng loạt tiện ích, nâng tầm vị trí của dự án để dễ bán được hàng là lừa đảo khách hàng. Nhiều dự án quảng cáo là nằm ở mặt tiền nhưng khi bàn giao nhà mới biết con đường ra vào chung cư nằm trong hẻm. Mặt tiền là đất của người khác, chủ đầu tư thuê đất để đánh lừa khách hàng.

Nhiều dự án “nổ” quá đà để bán nhà - ảnh 3
Dự án M-One nằm trong con hẻm nhỏ và được bao bọc bởi nhiều nhà máy

Do đó, người mua nhà cần tìm hiểu kỹ dự án về mặt bằng, uy tín chủ đầu tư, thiết kế kỹ thuật… “Nhiều dự án quảng cáo về quận 1 chỉ 5 – 10 phút mà nằm ở vùng ven TP.HCM. Nếu đi trong 10 phút chắc phải bay bằng trực thăng mới tới được. Vì vậy, khách hàng cần phải cẩn trọng và xem xét kỹ lưỡng trước khi mua nhà. Nếu là người mua nhà lần đầu thì nên nhờ những người đã ở chung cư cùng đi xem dự án”, ông Đực nói.

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, hiện nay có rất nhiều dự án quảng cáo sai sự thật nhưng trách nhiệm không thuộc về ai. “Các sàn, công ty bất động sản đua nhau nâng dự án của mình lên, vẽ thêm nhiều tiện ích ảo để bán được hàng”, ông Quang nói.

Ông Quang khuyên khách hàng trước khi mua nhà cần phải đi đến dự án nhiều lần. Nếu mua căn hộ giá 20 triêu đồng/m2 thì trước tiên là phải tìm những chung cư có giá 16 – 20 triệu đồng/m2 đã bàn giao nhà, xem căn hộ đó dùng gạch gì, thang máy như thế nào, nội thất ra sao, tiện ích nội  ngoại khu… để so sánh.

Sau đó, khách hàng nên đến dự án cảm nhận khu vực xung quanh dự án. Việc mua căn hộ cũng phải đi 3 – 4 lần như nhà phố. “Nếu muốn mua căn hộ ở vị trí đó, khách hàng nên đi vào thứ Bảy, Chủ nhật xem môi trường sống xung quanh có bị ồn ào bởi karaoke, ăn nhậu hay không. Đi vào buổi sáng và buổi chiều xem tình hình kẹt xe, buổi tối xem an ninh như thế nào. Trời mưa cũng phải đi để xem có bị ngập hay không”, ông Quang nói.

Chuyên gia này cho biết thêm, ngay cả Thông tư 31 về xếp hạng chung cư vừa được ban hành cũng không thể bảo vệ được khách hàng trước việc quảng cáo quá đà của các chủ đầu tư.

Chẳng hạn, các tiêu chí xếp hạng của chung cư còn nhiều điểm chưa hợp lý, mang nội dung chung chung. Thông tư không quy định chung cư được xếp hạng phải có nhà cộng đồng, diện tích nhà cộng đồng, quy định đặt tên nhà chung cư, quy định chỗ để xe máy tối thiểu trên mỗi căn hộ…

“Mỗi chung cư đạt 18 trong tổng số 20 tiêu chí sẽ được xếp hạng. Tuy nhiên, Thông tư không quy định rõ là tiêu chí gì, miễn đủ 18 tiêu chí là được. Trong 20 tiêu chí đó, nếu thang máy không đạt chuẩn, bãi xe không đủ diện tích mà vẫn được xếp hạng thì thiệt thòi cho cư dân”, ông Quang phân tích.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo Luật Thương mại, quảng cáo sai sự thật được hiểu là việc đưa thông tin không đúng sự thật dưới bất kỳ hình thức nào đều được coi là vi phạm nguyên tắc trung thực và được hiểu là quảng cáo sai sự thật về số lượng, chất lượng hàng hóa.

Nghị định 158 ban hành năm 2014 quy định phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng…

“Trên thực tế, chưa có bất cứ dự án bất động sản nào bị phạt tiền vì quảng cáo sai sự thật, dù nó xảy ra nhan nhản hằng ngày. Người cuối cùng bị thiệt thòi chính là khách hàng”, ông Quyền nói.

NGUYỄN DUY

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness