TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Sôi động mua bán dự án bất động sản

Hàng loạt thương vụ hợp tác mua bán chuyển nhượng dự án (M&A) trên lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã mang lại sự phát triển mạnh mẽ và thay đổi hẳn tình hình thị trường BĐS trong năm vừa qua. Năm 2017, M&A trên lĩnh vực BĐS sẽ tiếp tục bùng nổ, không chỉ kích hoạt tăng trưởng cho nền kinh tế mà còn làm đổi thay bộ mặt đô thị.

Mua dự án, giải quyết luôn khiếu kiện

Cách đây chừng 2 năm, câu chuyện dự án Thảo Loan (khu Trung Sơn, Bình Hưng, huyện Bình Chánh) đã trở thành vấn đề nóng về khiếu kiện. Bởi vì, một dự án tên Thao Loan Plaza với 169 căn hộ xây xong phần thô rồi án binh bất động, chủ đầu tư đã trễ bàn giao nhà 2 năm nhưng lại bán luôn công ty, khách hàng muốn “túm tóc” không biết hỏi ai. Còn khu đất kế bên là bãi giữ xe, cỏ rác nhếch nhác; dọc theo hàng rào là nhiều tấm bảng thông báo, yêu cầu mọi việc giao dịch phải liên hệ với ngân hàng vì dự án đang bị thế chấp! Sự việc ngày càng nóng, tưởng chừng bế tắc, thì bất ngờ Công ty cổ phần Địa ốc Hưng Thịnh xuất hiện với tư cách là chủ đầu tư mới. Gần một năm sau trở lại, dự án đã đổi tên thành Citizents, bên ngoài tòa nhà chung cư đã sơn phết tươm tất, đang thi công hoàn thiện phần bên trong. Khu đất ngày nào là bãi giữ xe giờ thành khối bê tông, vươn lên khỏi mặt đất, tường rào bao bọc bởi tên dự án Sai Gon Mia!

Đại diện Công ty Hưng Thịnh cho biết, khi mua dự án Sai Gon Mia, bên đối tác yêu cầu phải nhận luôn những vấn đề tồn tại của Thao Loan Plaza. Do đó, công ty phải đàm phán với tất cả các khách hàng trước đây, sẽ hoàn lại phần tiền đã đóng trước đó hoặc tiếp tục đi theo Hưng Thịnh với chính sách mới. Dự án Citizents sẽ bàn giao nhà cho khách hàng bắt đầu từ quý 1 năm nay. Đối với dự án Moonlight Park View cũng tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh đã xây lên tầng 1 rồi ngưng lại, khách hàng đã gây áp lực với chủ đầu tư vì dự án bất động quá lâu. Khi chuyển sang Hưng Thịnh, khách hàng hoặc nhận lại số tiền đã đóng trước đó với mức lãi suất cao hơn gửi ngân hàng, hoặc tiếp tục song hành với chủ đầu tư mới…

Hàng loạt tòa nhà cao tầng đã và đang mọc lên tại Bến Vân Đồn (quận 4) chỉ trong một thời gian ngắn, đã biến nơi đây như quận 1 nối dài: hiện đại, sầm uất - một hình ảnh khác biệt toàn bộ so với kho tàng, nhà xưởng lụp sụp vốn dĩ khá quen mắt với những ai thường đi qua tuyến đường này. Công đầu “cải hoán” quận 4 phải kể đến Novaland. Tính từ chân cầu Khánh Hội, nơi tiếp giáp quận 1, đi ngược về đường Nguyễn Khoái không quá 2km nhưng Novaland triển khai xây dựng đến 5 dự án với hơn 3.000 căn hộ, trong đó 2 dự án đã bàn giao nhà là Galaxy 9 và Icon 56. Đáng chú ý, tất cả dự án trên đến từ việc Novaland mua lại, hợp tác… từ dự án chết hoặc nhà xưởng. Chẳng hạn, tại dự án Galaxy 9, chủ đầu tư trước đó đã từng công bố bán căn hộ nhưng vì thị trường khó khăn đành phải trùm mền một thời gian dài. Sau khi về tay Novaland, dự án xây dựng một năm rưỡi giao nhà, giá bán ban đầu chưa quá 30 triệu đồng/m2, nay lên trên 40 triệu đồng/m2. Còn dọc theo chân cầu Khánh Hội, 3 dự án liên tiếp tồn tại hàng chục năm nay là nhà xưởng, vây tôn và rào tôn, gần như bỏ hoang; hoặc tại chân cầu Ông Lãnh, khu đất nhà máy thuốc lá bỏ trống nhiều năm. Bây giờ, các dự án này bung lên từng ngày!

Dự án Tresor do Novaland làm chủ đầu tư, đang triển khai xây dựng tại Bến Vân Đồn (quận 4)

Vẫn còn nhiêu khê

Có thể thấy việc hợp tác, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án vẫn là xu thế chủ đạo của thị trường BĐS trong năm 2017. Đó sẽ là sự tiếp nối phát triển các M&A sôi động của năm 2016. Có thể điểm lại năm 2016, thị trường chứng kiến sự mua bán dự án cực kỳ sôi động như Hưng Thịnh mua 8 dự án; Novaland mua 6 dự án, đáng chú ý là “bành trướng” sang đại đô thị như mua lại Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) từ tay Deawon Catavil (Hàn Quốc). Ngoài ra, các doanh nghiệp khác cũng tăng cường “tích trữ” quỹ đất, đó là Công ty cổ phần Địa ốc Đất Xanh mua chung cư Phước Long B (quận 9), hợp tác đầu tư cùng Saigon Res tại khu đất thuộc phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức)…

Nhà đầu tư nước ngoài cũng không chịu đứng ngoài cuộc, nổi bật là thương vụ tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower được AON mua lại với giá 382,5 triệu USD; Tập đoàn Pan Pacific (Singapore) đầu tư vào khách sạn Sofitel Plaza Hanoi và đổi tên thành Pan Pacific Hà Nội. Tại TPHCM, nhiều nhất là các nhà đầu tư Singapore liên doanh xây dựng dự án chung cư; còn khách sạn, tòa nhà Kumho Plaza tại TPHCM được Mapletree mua lại 50% cổ phần với giá trị thương vụ 107,5 triệu USD - truyền thông Hàn Quốc đưa tin vào giữa năm nay…

Mặc dù sôi động là vậy nhưng chuyển nhượng dự án vẫn bị xem là “mặt trái” của thị trường BĐS. Hiện nay TPHCM có khoản 500 dự án đang bị ngừng triển khai nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để. Mặc dù quy định có thoáng hơn trước đây là khỏi cần xây xong hạ tầng, nhưng pháp luật mới nhất về BĐS vẫn ràng buộc chủ đầu tư chỉ được chuyển nhượng dự án sau khi đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng. Theo các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, quy định này tiếp tục gây khó khăn cho thanh khoản, không hợp lý so với dòng chảy của thị trường, nên xem M&A là hoạt động bình thường trong quá trình đầu tư kinh doanh, là nhu cầu của doanh nghiệp. Chưa hết, sau khi mua dự án, việc triển khai các thủ tục pháp lý ngày càng khó khăn, bởi các quy định phức tạp hơn, siết chặt hơn. Đối với những dự án bị trùm mền cả hàng chục năm qua, nay “mở ra” bị vướng chồng chéo giữa luật cũ và mới, đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện. Hy vọng, với đà thị trường đang chạy ổn định như hiện nay, có lẽ cần nhất là chính sách vĩ mô chỉ nên làm bà đỡ tháo gỡ, song hành cùng doanh nghiệp, không nên là rào cản trong hoạt động kinh doanh BĐS, lúc đó Nhà nước không chỉ thu được nhiều thuế mà còn kéo theo sự phát triển của nền kinh tế như mong muốn!

LƯƠNG THIỆN

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness