Cụ thể, tại Hà Nội, trong tháng 1 có khoảng 1.300 giao dịch thành công, giảm 7,1% so với tháng 12/2016. Sang tháng 2, lượng giao dịch thấp hơn, chỉ có khoảng 850 giao dịch thành công, giảm 34% so với tháng 1. Các giao dịch thành công vẫn chủ yếu tập trung tại phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp. Số lượng dự án nhà ở liền kề, biệt thự được phát triển mới không nhiều, lượng giao dịch ít.
Tại TPHCM, số lượng giao dịch thành công trong tháng 1/2017 đạt khoảng 1.400 giao dịch, giảm 3,4% so với tháng 12 2016. Số lượng giao dịch thành công trong tháng 2 cũng chỉ đạt khoảng 900 giao dịch, giảm 35% so với tháng 1. Giao dịch tại các phân khúc trung cấp và cao cấp có vị trí đẹp, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư uy tín vẫn chiếm số lượng lớn, còn lại là giao dịch tại một số dự án căn hộ thương mại diện tích trung bình, giá bán trên 1 tỷ nằm ở khu vực các quận Gò Vấp, quận Bình Tân và nhà ở liền kề, biệt thự khu vực Quận 2, Quận 9.
Về lượng tồn kho bất động sản, Báo cáo của Hiệp hội cho thấy lượng tồn kho tiếp tục giảm, nhưng tốc độ đã chậm lại. Lượng tồn kho hiện chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ. Đến cuối tháng 2/2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 29.573 tỉ đồng, giảm 1.450 tỉ đồng so tháng 12-2016, giảm 4,67%; còn so với tháng 1 thì giảm 575 tỉ đồng.
Giá cả bất động sản trong 2 tháng đầu năm không có nhiều biến động do tháng này trùng với thời điểm tết Nguyên đán. Theo yếu tố mùa vụ thường những tháng này người dân ít mua bán nhà và các chủ đầu tư cũng sẽ ém hàng để đưa ra sau tết Nguyên đán.
Theo đánh giá của Hiệp hội BĐS lượng vốn FDI đổ vào BĐS trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2017 gấp 12 lần năm ngoái và số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh cho thấy thị trường bất động sản năm 2017 vẫn tiếp tục sự ổn định của năm 2016 và có phần mạnh mẽ hơn nhờ những chính sách hiệu quả của nhà nước giúp cho nền kinh tế vĩ mô có điều kiện tốt nhất để phát triển lâu dài và bền vững. Những yếu tố này sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
Lan Nhi - Theo Trí thức trẻ