Ông Cường nêu ra ba ý kiến cụ thể.
Thứ nhất, là về giải phóng mặt bằng theo cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận.
Theo ông Cường, cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận để nhận chuyển quyền sử dụng đất là phù hợp với lòng dân, hạn chế khiếu kiện nhưng khó để có thể đạt được thỏa thuận 100% toàn bộ đất đai của dự án. Một thiểu số người dân đang sử dụng yêu cầu giá đất rất cao, nhà đầu tư không thể thỏa thuận được, giải phóng mặt bằng bị thua lỗ và dự án không thể triển khai. Rất nhiều nhà đầu tư lâm vào tình trạng khó khăn, trao tiền phần đất đai đã được thỏa thuận mà không có cách để giải quyết phần đất đai còn lại khi được thỏa thuận mặc dù đó là thiểu số.
Để tháo gỡ những tồn tại này, ông Cường kiến nghị, đối với những dự án giải phóng mặt bằng theo cơ chế tự thỏa thuận, nên đưa ra quy định nhà đầu tư thỏa thuận được tối thiểu 70%, Nhà nước quyết định theo 2 phương thức: Nhà nước quyết định thu hồi đất với các trường hợp không đồng ý thỏa thuận này; nhà đầu tư được khởi kiện ra tòa, tòa sẽ quyết định mức giá bồi thường và tổ chức thi hành án.
Thứ hai, về thời điểm xác định tiền sử dụng đất nộp cho Nhà nước.
Theo ông Cường, công tác triển khai đấu thầu dự án sử dụng đất có chỗ còn bất cập về xác định giá đất. Dự án được đưa ra đấu thầu nhưng giá đất chưa được xác định, sau khi trúng thầu, nhà đầu tư triển khai thực hiện nhiều bước của quy trình đầu tư xây dựng dự án mà vẫn không biết chính xác tiền sử dụng đất nộp cho Nhà nước là bao nhiêu. Giá đất chưa được xác định, nhà đầu tư không thể biết chính xác hiệu quả của dự án ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư.
Do vậy, ông kiến nghị với Thủ tướng, việc đấu thầu dự án có sử dụng đất thì giá đất và việc sử dụng đất phải được xác định từ trước khi đấu thầu dự án. Giá đất là một yếu tố trong gói thầu, không thể đấu thầu dự án mà không có giá đất hoặc giá đất khi đấu thầu dự án chỉ là một con số tượng trưng như hiện nay.
Thứ ba, là thu hồi dự án khi chậm tiến độ, hết hạn sử dụng. Hiện nay Nhà nước thu hồi đất kèm theo mọi tài sản nhà đầu tư đã đầu tư trên đất đối với các dự án chậm tiến độ trên đất phải sử dụng.
“Cơ chế thu hồi trắng như vậy là một bất cập khi cả Hiến pháp và Luật Đầu tư đều quy định Nhà nước bảo hộ tài sản đã đầu tư của nhà đầu tư”, ông nói.
Ông cho rằng, khi nhà đầu tư chậm tiến độ sử dụng đất là vi phạm pháp luật đất đai, Nhà nước có thể phạt tiền, có thể thu hồi đất đã giao nhưng không thể tịch thu tài sản của nhà đầu tư đã đầu tư trên đất để trả tiền sử dụng đất mà nhà đầu tư đã nộp cho Nhà nước.
Hơn nữa cơ chế thu hồi trắng tài sản của nhà đầu tư như vậy là trái với nội dung Nghị quyết số 19, Nghị quyết Trung ương ngày 31-10-2012 thông qua Hội nghị Trung ương 6 khóa XI là Nhà nước thực hiện chính sách thuế lũy tiến đối với các dự án đầu tư chậm hoặc bỏ hoang không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn, đúng quy định của pháp luật.
Do vậy, ông kiến nghị với Thủ tướng nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013 theo hướng xử lý đối với các dự án chậm tiến độ sử đụng đất bằng cách đóng thuế lũy tiến như nội dung Nghị quyết 19, hoặc có thể phạt nhà đầu tư bằng tiền để buộc nhà đầu tư tự quyết định, hoặc tìm cách tập trung đầu tư, hoặc tìm nhà đầu tư khác để liên doanh, hoặc tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác mà không cần Nhà nước phải can thiệp.