Tổng diện tích đất được nhà nước giao, cho thuê theo hợp đồng gốc là 1.680.654 m2. Trong đó, có đến 834.013 m2 được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất sản xuất - kinh doanh, đất ở, đất nông nghiệp... sang các dự án chung cư thương mại, cao ốc cho thuê, khu hỗn hợp nhà ở và trường học...
Định giá đất quá bèo
Theo Bộ Tài chính, trong số các dự án chuyển đổi đã báo cáo về quyết định phê duyệt giá đất tính thu nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng, mức giá cao nhất là hơn 83,2 triệu đồng, có vị trí tại phường 14, quận 10, TP HCM. Giá đất sau khi chuyển đổi - tính theo bảng giá đất nhân (x) hệ số điều chỉnh giá đất được ban hành tại thời điểm chuyển đổi - cao nhất là 129,8 triệu đồng/m2, tại số 29 Liễu Giai, TP Hà Nội. Mức giá thấp nhất là 33.750 đồng/m2 thuộc một dự án ở Tây Ninh, là đất đô thị và trồng cây lâu năm.
Một dự án địa ốc của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Bộ Tài chính xác định trong quá trình chuyển đổi này có tình trạng xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng, tiền thuê đất chưa sát với thị trường, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng lâu nay, vấn đề thất thoát tài sản nhà nước qua định giá đất quá bèo khiến dư luận khá bức xúc. Một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm giữ "đất vàng" không còn sử dụng hoặc thuộc diện phải di dời đã không trả lại đất cho nhà nước mà kêu gọi hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp. Không ít dự án chung cư cao cấp đã mọc lên ở các đô thị theo hình thức này, thế chỗ các nhà máy, xí nghiệp trước kia.
Một cách lách luật khác khá phổ biến là DN không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị DN khi cổ phần hóa hoặc vào giá khởi điểm khi thoái vốn. Do đó, giá của tài sản nhà nước không phản ánh sát giá thị trường, là kẽ hở gây thất thoát tài sản.
Bịt lỗ hổng
Theo TS Lê Đăng Doanh, đất đai là tài sản quý, phải có biện pháp quản lý hữu hiệu, không để chảy vào nhóm lợi ích nào đó. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thanh tra để phát hiện sai phạm trong các dự án đã chuyển đổi, cần đẩy mạnh các giải pháp cứng rắn để bịt lỗ hổng thất thoát tài sản nhà nước từ chuyển đổi "đất vàng" trong thời gian tới. Bởi lẽ, quá trình tái cơ cấu, sắp xếp DNNN vẫn tiếp tục diễn ra. Trong giai đoạn 2016-2020, sẽ có 240 DNNN phải thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, đa số là những DN quy mô lớn.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, cho biết cơ quan này đã trình Chính phủ xem xét ban hành dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 59/2011 về cổ phần hóa DNNN. Theo đó, vấn đề đất đai khi cổ phần hóa sẽ được quy định theo hướng bắt buộc DN có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng; lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, trình cơ quan có thẩm quyền hoàn thành phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa. Phương án sử dụng đất của toàn bộ diện tích DN đang quản lý, sử dụng phải bảo đảm đúng với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương; phù hợp chiến lược phát triển DN. Đồng thời, thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013.
Ngoài ra, để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm, dự thảo cũng quy định rõ công ty cổ phần được chuyển đổi từ DNNN phải thực hiện quản lý, sử dụng đất của DN theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp công ty cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, DN phải đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định.
Tô Hà