Thị trường bất động sản TP.HCM thời gian qua đã chứng kiến hàng loạt cuộc M&A cũng như là làm sống lại nhiều dự án bất động thời gian dài do thiếu vốn.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân tồn tại khiến cho thị trường đặt câu hỏi liệu sự “lột xác” nào cũng suôn sẻ hay không?
Cùng BizLIVE điểm qua một số dự án lớn đang dần được thay áo mới tại TP.HCM.
Sự hồi sinh thấy được sức sống
Được biết, tiền thân của D1 Mension chính là dự án VRG River View do Công ty TNHH Cảnh Sông - liên doanh giữa Công ty Cổ phần Xây dựng - Địa ốc Cao su (RCC) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Vinacon làm chủ đầu tư. Dự án có vị trí đắc địa tọa lạc ngay mặt tiền Đại lộ Võ Văn Kiệt, P.Cầu Kho, quận 1 trên diện tích 6.440m2.
VRG River View được VRG thực hiện từ năm 2011 nhưng sau đó bị ngưng vì “đói” vốn và được chuyển lại cho công ty con là RCC trong năm 2015. Sau đó, RCC đã hợp tác với Vinacon thành lập liên doanh Công ty TNHH Cảnh Sông có vốn điều lệ 334,7 tỷ đồng để đầu tư.
Đến giữa năm 2015, Tập đoàn CapitaLand công bố mua lại dự án này với giá trị là hơn 50 triệu USD. Khi đó, tập đoàn này công bố sau khi hoàn tất các thủ tục, tại khu vực này sẽ xây dựng một tòa nhà có 302 căn hộ với hai tháp gồm tháp thứ nhất cao 17 tầng với 102 căn hộ để ở; tháp thứ hai cao 22 tầng với 200 căn hộ dịch vụ cho thuê. Khi dự án này hoàn thành tổng giá trị ước tính sẽ là 106 triệu USD.
Được biết, khu căn hộ để ở tại đây diện tích từ 49m2 – 187m2 (từ 1 – 7 ghòng ngủ), giá công bố hồi đầu tháng 1/2017 là từ 3.000 USD/m2 (khoảng 66 triệu/m2) đã bao gồm VAT, với tiêu chuẩn bàn giao là hoàn thiện cơ bản tiêu chuẩn 6 sao.
Không rõ hiện tiến độ bán hàng ở dự án D1Mension ra sao nhưng Tổng giám đốc Tập đoàn Capital land tự tin dự án sẽ hấp dẫn những người đang tìm kiếm nơi ở sang trọng, đẳng cấp với yêu cầu ngay trung tâm Sài Gòn. Theo vị này với số lượng bán đạt 90% từ những dự án được phát triển trước đây tại TP.HCM và với chỉ với số lượng giới hạn 102 căn thì sẽ “hút”khách đến với dự án.
Theo tìm hiểu thì hiện dự án này gần như hoàn thiện xong để bàn giao nhà như dự kiến vào quý II/2017.
Tương tự như dự án trên, Kenton Node cũng là dự án đình đám, được khởi động lại trên cơ sở dự án cũ bị ngừng trệ do thiếu vốn. Tuy nhiên điểm khác của dự án này đó là được chính chủ cũ là Công ty Tài Nguyên quyết tâm “hồi sinh” lại dự án cũ là Kenton Residences.
Kenton Residences toạ trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ, cách Phú Mỹ Hưng bởi cầu Rạch Đĩa. Năm 2009, dự án chính thức được khởi công, trên diện tích 9,1 ha. Dự án gồm 3 phân khu là khu Plaza, khu Sky Villa và khu Residences, với 9 tòa nhà gồm 1.640 căn hộ. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 300 triệu USD, được dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Tuy nhiên khi làm gần như hoàn thiện phần khung thô của các tòa nhà thì dự án ngưng trệ hoàn toàn.
Đến cuối tháng 9/2016, Công ty Tài Nguyên đã nhận được quyết định của thành phố về việc cho phép điều chỉnh lại diện tích căn hộ, đây có lẽ là hướng đi chính để công ty quyết tâm thay “áo mới” cho “đứa con” của mình. Và cuối tháng 5 vừa qua, chủ đầu tư đã công bố chính thức vực dậy dự án “khủng” ở khu Nam Sài Gòn với những điều chỉnh quan trọng.
Theo đó, dự án có tên mới là Kenton Node Hotel Complex. Theo quy hoạch đã được điều chỉnh thì dự án là tổ hợp gồm căn hộ ở, căn hộ lưu trú, khách sạn (288 phòng), trung tâm mua sắm, nhà hát, bệnh viện… Điểm nhấn chính là khu căn hộ được giảm diện tích xuống còn 47-142m2 thay vì mỗi căn hộ hàng trăm m2 như cũ sẽ rất kén khách.
Với diện tích căn hộ đã thu hẹp hơn, được biết giá căn hộ để ở tại Kenton Node từ trên 2 tỷ đồng/căn. Mức giá này là khá cạnh tranh so với nhiều dự án cùng khu Nam.
Để có vốn đảm bảo cho việc thi công hai dự án theo kế hoạch cũng như việc bắt buộc phải có ngân hàng bảo lãnh, Tài Nguyên đã được BIDV và Maritime Bank ký kết bổ sung hơn 1.060 tỷ đồng dành cho Kenton Node; còn The Best Marina nhận gói tín dụng bổ sung từ SHB khoản tiền là 500 tỷ đồng.
Thêm yếu tố giúp cho số phận hai dự án trên lạc quan hơn là tại giải PropertyGuru Vietnam Property Awards 2017 vừa qua mới tổ chức tại TP.HCM, trong khi dự án D1 Mension được xướng tên thì dự án của Tài Nguyên cũng có mặt trong chung khảo. Để thấy rằng các dự án ít nhiều đã được thị trường chú ý.
Và sự làm mới đang e ngại
Cùng số phận về tay chủ mới nhưng Thuận Kiều Plaza có nhiều mấu chốt khó cởi bỏ hơn so với nhiều dự án lớn tại TP.HCM.
Thuận Kiều Plaza nằm ngay mặt tiền đường Hồng Bàng, quận 5 thuộc khu Chợ Lớn, được xây dựng bởi Công ty xây dựng thương mại Sài Gòn 5 hợp tác cùng Công ty Kings Harmony Intl Ltd (Hong Kong, tổng vốn đầu tư gần 60 triệu USD. Dự án gồm 3 tòa tháp có chức năng căn hộ (gần 650 căn), văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại - giải trí, nhà xe và các tiện ích khác.
Từng là nơi kinh doanh sầm suất nhưng sau khoảng 20 năm tồn tại thì dự án này bỗng trở nên hoang tàn, không người lui tới. Nhiều lời đồn đoán nơi đây bị “ám” nhưng các chuyên gia thì cho rằng dự án thất bại bởi thiết kế không phù hợp với trần nhà thấp lè tè, bí bách.
Được biết chủ đầu tư mới mở cho thuê phần trung tâm thương mại còn khu căn hộ chưa biết khi nào mới mở bán. Nhưng rõ ràng nếu chỉ với những thay đổi sơ sơ ở trên thì nhiều người quan ngại số phận của dự án này sẽ khó đổi. Căn hộ nhỏ thì có thể chấp nhận nhưng với vị trí vàng trung tâm khu Chợ Lớn, cùng với số vốn đổ vào thì dễ gì chủ đầu tư chịu bán với giá mềm. Trong khi cùng khu hiện dự án tầm 1-2 tỷ mọc lên như nấm.
Một dự án ầm ĩ khác tại Sài Gòn về “độ” làm xấu diện mạo thành phố là Saigon One Tower, tọa lạc ngay khu giao lộ Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng, Võ Văn Kiệt, quận 1.
Được khởi công đúng 10 năm trước với vốn là 256 triệu USD, Saigon One Tower dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2009. Dự án do CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư nắm 49% cổ phần, Saigontourist)nắm 30%, Ngân hàng Đông Á nắm 6%, CTCK Ngân hàng Đông Á nắm 10% và PNJ nắm 5%. Đến năm 2011, dự án đã phải ngừng thi công khi công trình đã gần như hoàn thiện hình hài.
Không công bố thông tin chuyển nhượng nhưng trên thị trường đồn đoán dự án đã về tay CTCP phát triển Bất động sản Alpha King. Công ty có các cổ đông chính là Alpha King Investment Limited giữ 93,3%, 2 cá nhân Li Yibin và Chiu Keung Kenneth nắm mỗi người 3,3%.
Được biết, chủ mới của tòa nhà này có kế hoạch thuê công ty kiến trúc của Singapore để thực hiện hoàn thiện dự án và đưa vào hoạt động vào năm 2018.
Chưa biết tình hình triển khai làm mới dự án đến đâu nhưng hiện tại ở đây vẫn trong tình trạng im lìm. Một số nhận định cho rằng với giá vốn, thêm lãi suất, chủ mới sẽ phải đổ vào không ít nghìn tỷ để có được dự án cũng như cho nó khoác áo mới nhằm sánh vai với nhiều tòa nhà cao nhất nhì thành phố gần đó.
Bởi vậy việc đổi vận cho Saigon One Tower vừa cần đến mạnh vốn vừa phải có khả năng bán hàng tốt nếu như không muốn về lại hoàn cảnh cũ…
HUYỀN TRÂM - Theo Bizlive