Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), trong gần 10 tháng đầu năm 2017, riêng thành phố có 2.018 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp bất động sản lên đến 6.438 doanh nghiệp, trong tổng số 326.401 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang thu hút sự quan tâm đầu tư, khởi nghiệp của xã hội, nhưng cũng đặt ra vấn đề về năng lực hoạt động, tính chuyên nghiệp, và cơ quan quản lý nhà nước cần hết sức quan tâm công tác quản lý và hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập.
Thành phố có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% trong năm 2017 như chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, một điểm đáng ngại là tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn thường chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng dư nợ, cao hơn mức dư nợ này của cả nước 6,5%. Cùng với tăng trưởng tín dụng, nợ xấu bất động sản cũng sẽ tăng cao.
TP HCM đã thu hút được 5,03 tỷ USD nguồn vốn FDI, đứng đầu cả nước, tăng gấp 2 lần so với 10 tháng đầu năm 2016, trong đó, lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng 32,9%, xếp thứ 2. Lượng kiều hối về TP HCM trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 3,3 tỷ USD, khoảng 22% lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Theo nhận định của HoREA, thị trường bất động sản vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng, nhưng sẽ tiếp tục tình trạng chững lại so với năm 2016. Dù khó có khả năng xảy ra bong bóng nhưng những chỉ số trên đang khiến thị trường chịu “lực căng” ngày một lớn. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng năm 2017 có khả năng lên tới 21% dẫn đến quan ngại về sự phát triển nóng của nền kinh tế, có thể làm cho cơn sốt bất động sản quay trở lại.